Anh nông dân mỗi năm thu 65 tỷ nhờ nuôi loài phàm ăn, có "cơ bắp cuồn cuộn"
Thứ Ba, 20/08/2024 - 08:43
Nhờ nuôi loài phàm ăn, dễ nuôi, anh nông dân ở Hà Nội mỗi năm thu 65 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, anh lãi được khoảng vài tỷ đồng.
Rong ruổi khắp các khu công nghiệp cắt cỏ nuôi bò
Thông tin trên báo VietNamnet, anh Trần Văn Thắng, một người con của gia đình nông dân nghèo tại Đan Phượng, Hà Nội, đã trải qua nhiều công việc khó khăn trước khi tìm thấy thành công trong lĩnh vực chăn nuôi bò.
Năm 2014, trong một lần khảo sát, anh nhận ra cơ hội từ những khu đô thị, khu công nghiệp bỏ hoang với cỏ mọc um tùm. Ý tưởng tận dụng nguồn cỏ này để nuôi bò đã lóe lên trong đầu anh, giúp anh mở rộng quy mô trang trại mà không cần đất trồng cỏ.
Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, anh Thắng nhập khẩu các giống bò ngoại chất lượng cao như bò 3B, bò Brahman để nuôi vỗ béo. Mỗi lứa, anh nuôi 200 con bò thịt thương phẩm và 50 con bò sinh sản.
Nhờ nuôi loài phàm ăn, dễ nuôi, anh nông dân ở Hà Nội mỗi năm thu 65 tỷ đồng. Ảnh: Dân Việt
Điều đáng kinh ngạc là chỉ với 1.000m2 đất trang trại, anh Thắng có thể nuôi và xuất bán tới 5 lứa bò thịt (1.000 con) mỗi năm, chủ yếu là giống bò 3B. Thông thường, để nuôi số lượng bò lớn như vậy cần ít nhất 50-60ha đất trồng cỏ, nhưng anh Thắng đã làm được điều đó mà không cần sở hữu bất kỳ diện tích đất trồng cỏ nào.
Bí quyết của anh nằm ở việc tận dụng cỏ từ các khu đô thị bỏ hoang. Anh thuê 4 nhân công với mức lương 6 triệu đồng/tháng để cắt cỏ, vận chuyển về trang trại. Mỗi con bò ăn khoảng 20kg cỏ/ngày, với giá cỏ 900 đồng/kg, chi phí thức ăn cho một con bò trong 2 tháng khoảng 1,1 triệu đồng. Nhờ nguồn cỏ miễn phí này, anh Thắng tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm.
Anh Thắng khẳng định: "Nếu phải thuê đất trồng cỏ nuôi bò thì không có lãi. Nhưng nhờ tận dụng cỏ miễn phí, tôi mới có thể tạo ra lợi nhuận."
Thu lãi "khủng" từ nuôi bò
Việc không phải lo lắng về nguồn thức ăn thô (cỏ) đã giúp công việc chăn nuôi bò của anh Thắng trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Anh chỉ cần tập trung vào việc đầu tư mua cám (thức ăn tinh) để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn bò.
Anh Thắng cho biết giống bò 3B có ưu điểm là phàm ăn, dễ nuôi, tăng trưởng nhanh và được mệnh danh là "cỗ máy sản xuất thịt". Trung bình, mỗi con bò 3B khi nhập về có trọng lượng 2,5-3 tạ, sau 2 tháng vỗ béo có thể đạt 5-6 tạ.
Hệ thống chăn nuôi áp dụng công nghệ tự động
Ngoài ra, bò 3B là giống bò thịt cao sản, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn hẳn các giống bò khác. Trong khi các giống bò thông thường có tỷ lệ thịt xẻ đạt 37-38% đã được coi là cao, thì bò 3B có thể đạt tới 45%, khiến chúng rất được thị trường ưa chuộng.
“Một năm tôi xuất bán khoảng 1.000 con bò thịt thương phẩm, doanh thu đạt khoảng 65 tỷ đồng. Trừ hết chi phí cũng lãi được vài tỷ đồng”, anh Thắng tiết lộ trên báo VietNamnet.
Hội viên nông dân gương mẫu
Theo tờ Lao động Thủ đô, anh Trần Văn Thắng được xem là người tiên phong trong việc áp dụng các mô hình sản xuất chăn nuôi tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, tận dụng tối đa nguồn thức ăn và không gian chăn nuôi. Anh còn chú trọng đến việc áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt bò sạch, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Thắng còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật và vận động các hộ nông dân khác cùng tham gia chăn nuôi, tạo ra môi trường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Nhờ đó, anh đã tạo công ăn việc làm ổn định với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng cho hơn 20 lao động địa phương, đồng thời hỗ trợ các hộ vay vốn 1,2 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi bò.
Ông Thiều Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, đánh giá cao mô hình của anh Thắng, cho rằng nó đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp thịt bò sạch, đảm bảo chất lượng cho thị trường Hà Nội, với sản lượng lên đến 250 tấn mỗi năm.
Anh Thắng không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi mà còn là một hội viên gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tinh thần năng động, sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh của anh Thắng đã giúp anh khai thác hiệu quả các nguồn lực tại địa phương, nâng cao năng suất, mở rộng quy mô và nhân rộng mô hình, tạo ra sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, anh Thắng còn thể hiện tấm lòng nhân ái khi giúp đỡ 15 hộ nghèo và cận nghèo bằng cách chia sẻ kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, cho vay vốn không tính lãi và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp họ cải thiện kinh tế và có việc làm ổn định.
Năm 2016, gia đình anh Thắng được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen “Đã có mô hình hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Từ năm 2017 đến nay, anh nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng, Hội Nông dân huyện Đan Phượng về các thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, phong trào đền ơn, đáp nghĩa, phong trào thanh niên…
Đặc biệt, năm 2022 anh vinh dự là 1 trong số 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022", được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương giai đoạn 2017-2022”
Nguồn:doisongphapluat.com.vn