Chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường cần điều kiện gì?
Thứ Ba, 06/08/2024 - 16:23
Việc hàng hóa trước khi đưa ra thị trường cần trải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra về chất lượng và thông tin và nguồn gốc. Vậy, sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường cần điều kiện gì về chất lượng?
Chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường cần điều kiện gì?
Việc hàng hóa trước khi đưa ra thị trường cần trải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra về chất lượng và thông tin và nguồn gốc. Vậy, sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường cần điều kiện gì về chất lượng?
Điều kiện về chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường
Căn cứ Điều 28 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường được quy định như sau:
- Người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất như:
+ Áp dụng hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
+ Công bố tiêu chuẩn áp dụng quy định tại Điều 23 của Luật này và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
+ Lựa chọn chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn đối với sản phẩm thuộc nhóm 1.
Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm thuộc nhóm 2.
+ Việc bảo đảm chất lượng sản phẩm sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trước khi đưa ra thị trường được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Trường hợp sản phẩm sản xuất trước khi ra thị trường mà không đảm bảo chất lượng bị xử lý ra sao?
Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất mà hàng sản phẩm không đảm bảo được chất lượng như đã công bố và quy định thì sẽ bị xử lý theo Điều 30 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007.
- Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, khi phát hiện người sản xuất không thực hiện đúng các yêu cầu về tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm và điều kiện liên quan đến quá trình sản xuất thì việc xử lý được thực hiện theo quy định sau đây:
+ Đoàn kiểm tra yêu cầu người sản xuất thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa chữa để bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường;
+ Sau khi có yêu cầu của đoàn kiểm tra mà người sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận về vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của người sản xuất, tên sản phẩm không phù hợp và mức độ không phù hợp của sản phẩm;
+ Sau khi bị thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng mà người sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
- Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, mà kết quả thử nghiệm khẳng định sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đe dọa đến sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tạm đình chỉ sản xuất sản phẩm không phù hợp và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Người sản xuất có quyền gì đối với sản phẩm của mình?
Tại Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định rất rõ quyền của người sản xuất được thể hiện như sau:
- Quyết định và công bố mức chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp.
- Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
- Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trường hợp chứng nhận hợp quy, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo yêu cầu quản lý nhà nước thì người sản xuất lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.
- Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu hiệu khác cho sản phẩm theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu người bán hàng hợp tác trong việc thu hồi và xử lý hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
- Khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra, quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nghĩa vụ của người sản xuất đối với sản phẩm của mình
Theo Điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định nghĩa vụ của người sản xuất phải thực hiện như sau:
- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường theo quy định tại Điều 28 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
- Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
- Thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng.
- Thông báo yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa.
- Cung cấp thông tin về việc bảo hành và thực hiện việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa cho người mua, người tiêu dùng.
- Sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có bị lỗi, hỏng do người bán hàng, người tiêu dùng trả lại.
- Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa gây mất an toàn hoặc sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp phải tiêu huỷ hàng hóa thì phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hóa theo quy định của pháp luật.
- Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Tuân thủ các quy định, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Trả chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy theo quy định tại Điều 31; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 41; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật này.
- Chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật này.
Như vậy, trước khi đưa ra thị trường sản phẩm trong quá trình sản xuất phải được áp dụng hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đồng thời, công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Lựa chọn chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn đối với sản phẩm thuộc nhóm 1. Cuối cùng là tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm thuộc nhóm 2.
Nguồn: Thư viện pháp luật