Vụ tai nạn 7 người chết ở nhà máy xi măng ở Yên Bái: Trách nhiệm thuộc về ai?
Thứ Sáu, 28/04/2023 - 16:23
Vụ tai nạn 7 người chết ở nhà máy xi măng ở Yên Bái khiến dư luận đặt ra thắc mắc về vấn đề trách nhiệm khi cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Như ĐS&PL đã đưa tin về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, có trụ sở tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái ngày 22/4 khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
UBND tỉnh Yên Bái đã có thông tin chính thức về vụ tai nạn cũng như xác định được nguyên nhân ban đầu là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.
Sự việc xảy ra đã để lại nỗi đau to lớn đối với gia đình các nạn nhân và khiến dư luận không khỏi xót xa. Cũng trong ngày xảy ra vụ tai nạn thương tâm, video sự cố lao động trên được lan truyền trên mạng xã hội khiến người dân đặt ra câu hỏi về an toàn lao động trong quá trình lao động liệu đã được chú trọng trong quá trình làm việc của những người công nhân này? Nguyên nhân và trách nhiệm sau cái chết và thương tích của các công nhân sẽ thuộc về ai?
Hiện trường vụ tai nạn lao động. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, Luật sư Lưu Thị Kiều Trang - Giám đốc Công ty Luật TNHH Khải Hoàn Tâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Trường hợp cá nhân một trong số các công nhân đã đóng điện khiến động cơ hoạt động, cần phải xác định rõ động cơ, mục đích và ý chí của họ khi thực hiện hành vi để đánh giá lỗi dẫn đến hậu quả chết người xảy ra.
Trường hợp có lỗi vô ý, họ có thể bị xử lý về tội Vô ý làm chết người với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Đồng thời phía Công ty có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra về sự việc; thanh toán toàn bộ chi phí điều trị, thực hiện việc bồi thường và trợ cấp theo quy định của luật, lập hồ sơ bảo hiểm xã hội đối với các nạn nhân".
Về trách nhiệm của phía Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái- nơi xảy ra vụ tai nạn, luật sư Trang cho rằng, người đứng đầu doanh nghiệp có thể phải đối mặt với khung hình phạt từ 6 đến 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”, theo quy định tại khoản 3 Điều 295 BLHS năm 2015.
Ngoài ra, về mặt dân sự, theo quy định pháp luật sau khi xác định trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng và sức khỏe bị xâm phạm bao gồm các chi phí: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế của người bị thương, thân nhân chăm sóc người bị thương trong thời gian điều trị; Chi phí hợp lý cho việc mai táng, Chi phí cấp dưỡng cho người thân thích của nạn nhân, bồi thường tổn thất về tinh thần… theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự.
Về mức bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường đối với người lao động bị tai nạn lao động. Một số khoản người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động như sau:
"...- Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
- Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại Khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng"
Luật sư Lưu Thị Kiều Trang.
Luật sư Kiều Trang cũng chia sẻ thêm bản thân chị cũng là người con của vùng quê Yên Bình, Yên Bái, khi nghe tin về vụ tai nạn này chị đã không giấu được sự xót xa trước những hoàn cảnh của các nạn nhân. Đau đớn, mất mát để lại cho những gia đình có người mất chắc chắn kéo dài nhiều ngày sau đó nên rất cần có sự chia sẻ, động viên kịp thời của các cấp chính quyền và đồng thời làm rõ, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của những người có liên quan. Luật sư Trang cũng bày tỏ sự chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị hại và sẵn sàng đồng hành pháp lý với các gia đình trong quá trình giải quyết sự việc trên.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái, Đoàn kiểm tra tai nạn lao động vẫn đang tiến hành xác minh làm rõ nguyên nhân cụ thể xảy ra sự cố và diễn biến sự việc dẫn đến thiệt hại để xác định lỗi và trách nhiệm của cá nhân, người đứng dầu doanh nghiệp để có biện pháp xử lý theo pháp luật.
Nguồn: doisongphapluat.com.vn