Nature Made – Bài 2: Người tiêu dùng nghi vấn sữa Hiup, Jimbo không đảm bảo chất lượng
Thứ Năm, 15/08/2024 - 15:26
Uống sữa Hiup thì bị đau bụng đi ngoài, còn sữa Jimbo thì đóng cứng như băng, khi hạn sử dụng đến tận tháng 4/2026. Người tiêu dùng nghi vấn sản phẩm do Công ty CP thương mại và sản xuất Nature Made (Công ty Nature Made) sản xuất không đảm bảo chất lượng.
Như Sức Khỏe Cộng Đồng đã đưa tin “Bài 1: Mua sản phẩm Hiup do Vân Hugo quảng cáo, một nam sinh bị đau bụng, đi ngoài", liên quan đến trường hợp chị Hải – Hà Nội do tin vào lời quảng cáo của MC Thanh Vân (Vân Hugo) “cam kết uống sản phẩm Hiup sẽ cao 3 đến 5 cm”, đã mua sản phẩm Hiup cho con trai mình sử dụng, uống xong bị đau bụng, đi ngoài.
Sau khi báo chí đưa tin, mới đây chúng tôi lại tiếp nhận thêm trường hợp chị Đoan – Hoài Đức, Hà Nội thông tin “tôi đọc được tin của báo chí đưa mà thấy thương những bà mẹ, trong đó có cả tôi, bỏ đống điền ra mà con có cao được như lời quảng cáo đâu. Con tôi uống hết 2 thùng, mua mất hơn 10 triệu đồng, cân không nhích, chiều cao thì lại càng không. Phản ánh đến Công ty thì họ còn chẳng thèm giải thích gì, lại còn tư vấn mua tiếp sản phẩm khác. Công ty này làm ăn thiếu trách nhiệm quá mức”. Chị Đoan bức xúc nói.
Thêm nhiều độc giả khác thông tin, sau khi đọc bài báo chúng tôi đã đăng tải.
Giống trường hợp của chị Hải, chị Tâm – Long Biên, Hà Nội phản ánh về việc sữa Jimbo cũng do Công ty Nature Made sản xuất, địa chỉ: số 277 đường Đào Cam Mộc, xã Uy Nỗ, Đông Anh, Thành phố Hà Nội; Đơn vị chịu trách nhiệm và phân phối là Công ty TNHH kinh doanh và công nghệ ALAMA Việt Nam, địa chỉ tầng 5, tòa nhà Láng Trung, Số 60, tổ 33, ngõ 850, đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội không đảm bảo chất lượng.
Chị Tâm cho biết: “Do lo lắng cho cân nặng của con, nên mình đã tìm hiểu thấy sữa Jimbo có MC Thanh Vân, Hoàng Linh diễn viên Lê Khánh, Diễm Hương, … quảng cáo rằng sữa Jimbo có thể tăng cân, lại vừa tăng chiều cao, phát triển trí não, tăng cường đề kháng tốt, thế là mình mua về cho con dùng. Tuy nhiên, khui hộp sữa ra thì mình tá hỏa, sữa đóng băng, cả 1 cục tảng to trong hộp, đập rất khó tan, trong khi hạn sử dụng đến tận tháng 4/2026. Không hiểu họ quảng cáo là sản xuất trên dây truyền hiện đại, nhà máy đạt chuẩn GPM, được Bộ Y tế cấp phép kiểu gì, mà lại sản xuất, bán ra thị trường sản phẩm kém chất lượng mà giá gần 1 triệu 1 hộp như thế này nữa".
Sữa Jimbo được quảng cáo “thổi phồng” công dụng có thể tăng 3 - 5kg sau 3 tháng sử dụng.
"Sau gần 1 tháng chờ công ty phản hồi thông tin sữa kém chất lượng mà mình đã phản ánh, thì nhân viên Công ty ALAMA nhắn báo mình sẽ có chuyên gia của nhà máy Nature Made gọi và đến nhận lại sản phẩm hỏng. Tuy nhiên mình chờ gần 20 ngày rồi mà chả thấy chuyên gia nào gọi và đến lấy sản phẩm cả. Mình cũng đề nghị Công ty cho chuyên gia mang theo mẫu lưu của công ty, cùng mình mang thêm mẫu kém chất lượng nói trên đi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, để kiểm nghiệm xem sản phẩm đạt chất lượng hay không. Cho đến nay thì chả có chuyên gia nào, cũng như nhân viên nào gọi nữa. Thật sự là coi thường khách hàng, vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe trẻ nhỏ... ”. Chị Tâm bức xúc nói.
Sữa Jimbo kém chất lượng “đóng đá” khi hạn dùng đến tận tháng 4/2026. Đến nay phía Công ty Nature Made và Alama vẫn chưa có câu trả lời nào cho khách hàng.
Thời gian qua, hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó nổi lên là tình trạng vi phạm trong sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học hay thường gọi là "sữa bột", tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, từ tháng 1/2023 đến nay, các đơn vị công an đã đấu tranh, khám phá và xử lý 86 vụ vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa bột, trong đó đã khởi tố 5 vụ với 11 bị can, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm sữa kém chất lượng.
Gần đây nhất là chuyên án của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã bắt và khởi tố 2 vụ án hình sự, để điều tra làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm đối với 2 doanh nghiệp sản xuất sữa bột, có trụ sở tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Thủ đoạn thực hiện hành vi của doanh nghiệp là tự công bố sản phẩm để sản xuất các loại sữa, nhưng không thực hiện đúng các quy trình sản xuất, nên chất lượng sản phẩm đạt dưới 70% so với công bố. Khi lập hồ sơ công bố sản phẩm, doanh nghiệp đã chủ động công bố các chỉ tiêu chất lượng ở mức cao để thổi phồng tính năng, công dụng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, để tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp đã cố tình bớt xén nguyên liệu, tự ý thay đổi công thức sản xuất. Vì vậy sữa bột thành phẩm không đảm bảo chất lượng, như hồ sơ doanh nghiệp tự công bố tại Cục An toàn thực phẩm.
Buông tiền kiểm, lỏng hậu kiểm, nên nếu cơ quan điều tra không phát hiện, hàng nghìn hộp sữa kém chất lượng từ các dây chuyền này vẫn ung dung bán ra thị trường. Để tiêu thụ được nhiều sữa kém chất lượng, các doanh nghiệp đã dùng nhiều chiêu trò quảng cáo sản phẩm như thuê người nổi tiếng, các chuyên gia dinh dưỡng… bán được càng nhiều sản phẩm, thì lợi nhuận mang về càng cao.
Quay trở lại vấn đề độc giả phản ánh sữa Hiup và sữa Jimbo có dấu hiệu kém chất lượng nêu trên, cũng rất cần sự hậu kiểm và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đặc biệt là sự tiếp tục vào cuộc của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an, để làm rõ chất lượng các sản phẩm do Công ty Nature Made sản xuất, nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân và cộng đồng.
Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng sẽ tiếp tục thông tin...!
Theo Minh An (Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng)