Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng
Thứ Ba, 20/08/2024 - 07:17
Thực hiện Công văn số 1936/TCQLTT-TTKT ngày 15/7/2024 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về việc rà soát, báo cáo về kiểm soát xung đột lợi ích (giai đoạn từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/6/2024), Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung về công tác kiểm soát xung đột lợi ích đến toàn thể công chức trong lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên.
Công tác kiểm soát xung đột lợi ích là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Xác định tầm quan trọng đó, Đảng ủy Cục QLTT luôn luôn chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường thực hiện công tác kiểm soát xung đột lợi ích đối với người có chức vụ, quyền hạn trong toàn lực lượng. Cục đã ban hành các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, xung đột lợi ích như: Quyết định số 31/QĐ-QLTTTNG ngày 26/01/2024 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 của Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên; Văn bản số 306/QLTTTNG-TTPC ngày 05/7/2024 về việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ngày 26/7/2024, Cục đã ban hành các văn bản số 332/QLTTTNG-TTPC triển khai về việc rà soát, báo cáo kiểm soát xung đột lợi ích (giai đoạn từ tháng 7/2023 đến hết 30/6/2024).
Cục đã giao Phòng Thanh tra - Pháp chế phối hợp với phòng Tổ chức - Hành chính tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm soát, đánh giá việc triển khai Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, kiểm soát xung đột lợi ích của Cục, kịp thời nắm bắt các trường hợp có nguy cơ, dấu hiệu về xung đột lợi ích. Các Phòng, Đội QLTT trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện công khai, minh bạch trong thực thi hoạt động công vụ và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, xung đột lợi ích theo quy định tại Luật PCTN và các văn bản pháp luật khác có liên quan về kiểm soát xung đột lợi ích đảm bảo hiệu quả, thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản đã đề ra. Qua công tác rà soát tại Cục QLTT không có trường hợp phát hiện xung đột lợi ích.
Đ/c Tạ Đình Dũng – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng chỉ đạo quán triệt việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng và xung đột lợi ích.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tiếp tục được Đảng ủy, Lãnh đạo Cục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của cơ quan, đơn vị. Cục QLTT tổ chức triển khai quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và xung đột lợi ích đến 100% cán bộ, công chức trong toàn Cục để hiểu và nhận thức đầy đủ về những hậu quả, tác hại khi xảy ra xung đột lợi ích như: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2018; Luật cán bộ, công chức năm 2008; Luật Thanh tra năm 2022; Luật Kiểm toán năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2019; Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Đồng thời, thực hiện lồng ghép tuyên truyền thông qua các chương trình sinh hoạt Chi bộ, Đảng bộ; các cuộc họp giao ban định kỳ của cơ quan, đơn vị hoặc chuyển nhận văn bản điện tử trên Hệ thống liên thông nội bộ của lực lượng QLTT; thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, tổ chức cá nhân kinh doanh.
Quán triệt, tuyên truyền quy định trong các Hội nghị sinh hoạt chi bộ định kỳ
Có thể nói công tác Kiểm soát xung đột lợi ích năm 2024 được triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ tại các đơn vị thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên. Để các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích được thực hiện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, Đảng ủy, Lãnh đạo QLTT tỉnh thái Nguyên đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN và các nội dung về kiểm soát xung đột lợi ích; chú trọng phương thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến bảo đảm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, trong trong toàn lực lương về việc kiểm soát xung đột lợi ích.
Hai là, thường xuyên rà soát, theo dõi việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức nếu phát hiện có dấu hiệu xung đột lợi ích thì kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Ba là, tăng cường kiểm soát xung đột lợi ích của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, đơn vị; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của người có chức vụ, quyền hạn theo hướng ngăn chặn, phát hiện các tình huống xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ và các vụ việc giải quyết tình huống xung đột lợi ích không đúng quy định pháp luật.
Nguồn: Tổng cục Quản lý thị trường