Thị trường
Nghệ An: Tiêu hủy hàng hóa gần 30.000 đơn vị sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu
Chủ Nhật, 29/09/2024 - 07:41
Chủ Nhật, 29/09/2024 - 07:41
Ngày 27/9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An phối hợp với các cơ quan chức năng: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông… tiến hành tiêu hủy gần 30.000 đơn vị sản phẩm với tổng giá trị hơn 180 triệu đồng.
Sáng ngày 27/9/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An tổ chức tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu. Tham gia buổi tiêu hủy có đại diện của các sở ngành có liên quan: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông… và đại diện của các cơ quan truyền thông và báo chí đến để đưa tin.
Đại diện các đơn vị tại buổi làm việc.
Trong đợt tiêu hủy này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An tiến hành tiêu hủy gần 30.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa với tổng trị giá hơn 180 triệu đồng. Hàng hóa bị tịch thu tiêu hủy bao gồm: Hàng điện tử; bình ắc quy các loại; quần áo; đồ chơi trẻ em; sữa bột trẻ em. Đây là các loại hàng nhập lậu; hàng không đủ điều kiện lưu thông, hàng không thỏa mãn các yêu cầu của quy chuẩn Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Hàng hóa được tiêu hủy theo hình thức cơ học, dưới dự giám sát của các thành viên Hội đồng tiêu hủy và đại diện các đơn vị liên quan. Hàng hóa sau khi phá dỡ hình dạng ban đầu được đơn vị chuyên dụng về xử lý rác thải phân loại và đưa về xử lý theo từng chủng loại hàng hóa, đảm bảo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường
Một số hình ảnh quá trình tiêu hủy hàng hóa:
Hoạt động tiêu hủy nhằm tuyên truyền tới người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh về sự nguy hại của việc sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua đó giúp nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong chủ động phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, Cục QLTT Nghệ An tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường gắn với công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật… qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, tạo ra tính cạnh tranh minh bạch trong các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Nguồn: Tổng cục Quản lý thị trường