Tăng cường kiểm tra, không để xảy ra tình trạng găm hàng tăng giá trong bão số 3 Yagi
Chủ Nhật, 08/09/2024 - 07:11
Tổng cục Quản lý thị trường vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi báo cáo nhanh hàng ngày về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thiên tai để đầu cơ tích trữ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý.
Thực hiện Công điện số 6751/CĐ-BCT ngày 6/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024 và ngày 6/9/2024, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ban hành công văn 2549/TCQLTT-VPTC yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… báo cáo nhanh về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thiên tai để đầu cơ tích trữ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường, trong ngày 7/9, Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trong đó tập trung kiểm tra hành vi niêm yết giá bán, bán hàng theo đúng giá niêm yết.
Tại Quảng Ninh, ghi nhận trong ngày 7/9 cho thấy tình hình nhu cầu mua sắm dự trữ hàng hóa thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng so với ngày trước đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm (mì tôm; rau, củ, quả; thịt lợn, bò; thủy sản tôm, cá; dầu ăn, bột canh...).
Giá cả một số mặt hàng rau, củ, quả có xu hướng tăng từ 5%-10% so với ngày trước đó, tập trung tại các chợ, cửa hàng nhỏ. Giá cả tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định chưa có xu hướng tăng hay giảm so với ngày trước đó.
Tại Hải Phòng, trong ngày 7/9, sức mua của người dân giảm do chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơ bão số 3, giá cả các mặt hàng ổn định, chưa xuất hiện tình trạng găm hàng, tăng giá.
Tại Nam Định, trong ngày 7/9, chịu ảnh hưởng của bão, gió to, mưa lớn, cây cối đổ nhiều và người dân đã chủ động mua hàng dự trữ từ trước đó. Hàng hoá được cung ứng đủ và không có hiện tượng tăng giá.
Ông Nguyễn Thế Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hải Phòng cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngay chiều 6/9, lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Cục đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các Đội Quản lý thị trường khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó bão số 3 năm 2024. Trong đó, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả việc phòng ngừa, ứng phó siêu bão với tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo, trong ngày 7/9, các Đội Quản lý thị trường thành phố đã tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định giá các mặt hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng.
“Chúng tôi cũng đã phân công Lãnh đạo, cử công chức, người lao động trực 24/24 giờ; theo dõi thường xuyên các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai thời tiết mưa lũ kéo dài từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tính mạng con người, cơ sở vật chất, tài sản, kho hàng, phương tiện tại đơn vị” - Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Hưng thông tin.
Theo Quyên Lưu (Tổng cục Quản lý thị trường)